Đề án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Nóng vấn đề vốn

31/10/2016 9:10:15 SA

 Bộ GTVT vừa trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội – TP Hồ Chí Minh theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với chiều dài 1.372km, tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng.

 

USCOSDC - Theo đề án này, Nhà nước sẽ hỗ trợ 93.534 tỷ đồng/229.829 tỷ đồng tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, một vấn đề đang đặt ra: Các nhà đầu tư sẽ huy động 136.286 tỷ đồng từ đâu?

 

Gần 60% tổng vốn huy động từ dân
 
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội -  TP Hồ Chí Minh giai đoạn trung hạn 2016 - 2020 là rất cấp bách và không thể trì hoãn. Đầu tư tuyến cao tốc này sẽ đem lại hiệu quả lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, tuyến đường sẽ tạo ra dịch vụ giao thông có tính cạnh tranh cao bởi rút ngắn thời gian đi lại và chi phí thấp hơn các tuyến đường bộ khác. Và như đã nói, theo đề án này, Nhà nước sẽ hỗ trợ 93.534 tỷ đồng (khoảng 40,7%), còn 136.286 tỷ đồng sẽ do các nhà đầu tư huy động.

 
 Một đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.        
 Ảnh: Thanh Hải
 
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, rất khó để các nhà đầu tư huy động được số tiền còn lại của dự án. TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia phân tích, theo đề xuất, nguồn hỗ trợ của Nhà nước sẽ được lấy từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ. Như vậy, trong trường hợp nhà đầu tư tiếp tục huy động vốn từ các ngân hàng thương mại trong nước… sẽ khiến nền kinh tế trong nước phải đương đầu với không ít khó khăn. Do đó, để hạn chế ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức chịu đựng của người dân, chúng ta nên hướng đến các nhà đầu tư vay vốn từ nước ngoài. Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng, trong hoàn cảnh không thể huy động được các nguồn vốn nước ngoài, Chính phủ phải có những can thiệp nhất định, cho vay ở mức nào, thời hạn nào.

Cần có cơ chế đặc thù
 
Đồng quan điểm với TS Lê Xuân Nghĩa, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, việc huy động các nguồn vốn nước ngoài tham gia phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Huy, để huy động được các nguồn vốn này, Nhà nước cần có những cơ chế đặc thù, những quy định rõ ràng để đảm bảo doanh thu của các nhà đầu tư. “Bộ GTVT đã từng lập đoàn công tác tiếp xúc nhiều nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhưng họ đều từ chối do lo ngại rủi ro về chính sách” – ông Huy cho hay.
 
Liên quan đến nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án, ông Nguyễn Văn Tỉnh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), chủ đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho biết, trước đây, Nhà nước cam kết hỗ trợ 39% vốn cho dự án, trong đó hỗ trợ trực tiếp bằng tiền 23%. Tuy nhiên, hiện nay, khi dự án đã hoàn thành, nhà đầu tư vẫn chưa nhận được đồng nào, đặc biệt là phần GPMB. Do đó, để tạo điều kiện cho các các nhà đầu tư, Nhà nước cần bố trí sớm nguồn vốn này.
 
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, ngoài 40,7% vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ để đầu tư cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT sẽ kêu gọi đầu tư. "Tuy nhiên, có thể khẳng định việc thu hút nguồn vốn nước ngoài là khó khăn vì hiện nay đầu tư bằng PPP chúng ta chưa có luật, mới chỉ dừng ở mức nghị định nên mức độ ổn định chưa cao. Theo tìm hiểu, các nhà đầu tư nước ngoài thường có những yêu cầu về bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh nguồn vay, những điều này chúng ta chưa làm được. Vì thế, Bộ GTVT đang tính đến các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân".

Theo ktdt.vn 
 
 

Share    
Tin khác

CÔNG TY CỔ PHẦN KHẢO SÁT THIẾT KẾ VÀ XÂY DỰNG USCO

Địa chỉ: 91 Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội

 ĐT: (84-4)37951939 - Fax: (84-4)37951929

Email: sdc.usco@gmail.com