Nối dài danh sách doanh nghiệp tư nhân đầu tư làm xi măng

31/03/2021 1:42:49 CH

 Danh sách doanh nghiệp tư nhân làm xi măng, với năng lực sản xuất quy mô lớn đang tiếp tục được nối dài nhờ các dự án được xây dựng “thần tốc” như Thành Thắng, Long Sơn, Đại Dương…

 

 Nhiều gương mặt mới

 
Ngành sản xuất xi măng gần đây có thêm nhiều gương mặt mới, là những doanh nghiệp tư nhân đang cụ thể hóa mục tiêu sở hữu năng lực sản xuất lớn để tăng sức cạnh tranh trong dài hạn bằng những dự án được xây dựng thần tốc.
 
Dự báo trong giai đoạn 2020 - 2030, tăng trưởng về tiêu thụ và sản xuất xi măng ở Việt Nam lần lượt ở mức 2,4%/năm và 2,8%/năm, với công suất huy động toàn ngành duy trì trên 90%. Nguồn cung xi măng từ các dự án mới giảm dần và hiệu quả sản xuất trong ngành được cải thiện sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong nước phát triển ổn định các năm tới.
 
Sau Tập đoàn Xi măng The Vissai, Xuân Thành, vài năm trở lại đây, chỉ tính riêng tại Hà Nam, Thanh Hóa, các ông chủ làm xi măng công suất lớn tiếp tục lộ diện như Long Sơn, Thành Thắng… với hàng loạt dây chuyền hiện đại.
 
Ra mắt thị trường xi măng chưa đầy 1 thập kỷ, Tập đoàn Xi măng Thành Thắng (Thành Thắng Group) đã tạo bất ngờ lớn khi sở hữu 3 dây chuyền xi măng, công suất 6,5 triệu tấn chỉ trong thời gian ngắn. Trong đó, dây chuyền 3 mới nhất, công suất 2,3 triệu tấn vừa được doanh nghiệp đưa vào hoạt động trong năm 2020.
 
 
Nhà máy xi măng Thành Thắng ( Hà Nam)
 
Khởi thủy từ việc tiếp nhận 1 dây chuyền xi măng nhỏ là Dự án Nhà máy Xi măng Thanh Liêm, công suất 1.000 tấn clinker/ngày (năm 2013), Thành Thắng Group đã có những bước tiến dài, khi nâng công suất chóng vánh với 3 dây chuyền và chưa dừng lại.
 
Theo lộ trình, nhà sản xuất này sẽ đầu tư thêm dây chuyền 4 và 5 trong thời gian tới, bởi cả 2 dây chuyền này đều được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch Phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030.
 
Khi 2 dự án này đi vào hoạt động, sẽ nâng công suất của Tập đoàn lên trên 10 triệu tấn. Hiện tại, doanh nghiệp này đã ký được hợp đồng tín dụng và đang gấp rút thi công dây chuyền 4 để đi vào sản xuất cuối năm 2021.
 
“Thần tốc” hơn cả Thành Thắng là Công ty TNHH Long Sơn, ông chủ của thương hiệu xi măng Long Sơn. Năm 2014, Nhà máy Xi măng Long Sơn được xây dựng tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Dây chuyền 1 đưa vào vận hành cuối năm 2016 và chỉ sau chưa đầy 1 năm, tháng 8/2017, dây chuyền 2 hoàn thành xây dựng, với công suất 5 triệu tấn/năm.
 
Cuối năm 2020, Long Sơn đã hoàn thành đầu tư dây chuyền 3, công suất 2,5 triệu tấn/năm và đang tiến hành đầu tư dây chuyền 4, cũng có công suất 2,5 triệu tấn/năm.
 
Trong lễ ra quân sản xuất đầu năm, ông Trịnh Quang Hải, Tổng giám đốc Xi măng Long Sơn cho hay, năm 2021, mục tiêu của Công ty là vận hành ổn định 3 dây chuyền sản xuất và khẩn trương thi công dây chuyền 4. “Công ty đang tiến hành thủ tục đầu tư lắp đặt dây chuyền 4, dự kiến triển khai đầu tư ngay trong quý I/2021”, ông Hải nói.
 
Năm 2020, Nhà máy Xi măng Long Sơn sản xuất 5,35 triệu tấn clinker và 7,18 triệu tấn xi măng; tiêu thụ 7,12 triệu tấn xi măng, doanh thu đạt hơn 7.000 tỷ đồng.
 
Cũng tại Thanh Hóa, đã lộ diện thêm một doanh nghiệp mới, đó là Công ty cổ phần Khoáng sản Đại Dương, với dự án gồm 2 dây chuyền, khởi công năm 2020, công suất khoảng 4,6 triệu tấn/năm, dự kiến đưa vào sản xuất quý III/2022. Cổ đông lớn của Xi măng Đại Dương cũng là “gương mặt thân quen” trong ngành xi măng, đó là Tập đoàn Xi măng The Vissai.
 
Cần những trụ cột
 
Tính đến cuối năm 2020, ngành xi măng có 90 dây chuyền sản xuất clinker, xi măng, với tổng công suất 106,6 triệu tấn, thực tế có thể sản xuất từ 120-130 triệu tấn xi măng.
 
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), năm 2020, tổng sản lượng xi măng đạt trên 101,5 triệu tấn, tăng nhẹ 1,5% so với năm trước, tiêu thụ xấp xỉ 100 triệu tấn, trong đó kênh nội địa hấp thụ 62 triệu tấn, giảm nhẹ 3 triệu tấn so với năm 2019.
 
Bức tranh ngành công nghiệp ngành xi măng đã có sự chuyển biến rõ nét trong 6-7 năm gần đây, sau khi trải qua một giai đoạn phát triển nóng với quá nhiều doanh nghiệp ngoài ngành tham gia đầu tư, không có kinh nghiệm, không có thị trường, dẫn đến hệ lụy nhiều nhà máy làm ăn không hiệu quả, bị thua lỗ và phải bán lại.
 
Trong khi đó, những dây chuyền mới do các nhà đầu tư tư nhân được xây dựng với thời gian ngày càng được rút ngắn, sớm có sản phẩm ra thị trường. Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA cho rằng, các dự án đầu tư mới đều có công suất lớn, hiện đại, thời gian triển khai nhanh, hiệu quả. Động thái này đã góp thêm vào con số xuất khẩu xi măng trong những năm gần đây.
 
Trong 10 năm (2010 - 2019), sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu đã tăng gấp 30 lần, đóng góp tới 32% tổng tiêu thụ toàn ngành và giúp Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu xi măng.
 
Theo đánh giá của VNCA, những doanh nghiệp xi măng công suất lớn, được định hình là một hướng đi cần thiết và tất yếu cho ngành xi măng nếu muốn cạnh tranh hiệu quả hơn. Với doanh nghiệp xi măng, công suất phải đạt từ 5 đến 10 triệu tấn/năm mới đảm bảo hiệu quả dài hạn thông qua tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động, đầu tư công nghệ mới. Như vậy, các doanh nghiệp xi măng giai đoạn sau này đang đi đúng hướng để hội tụ đủ năng lực cạnh tranh nội địa lẫn quốc tế.
 
Theo baodautu.vn
 

 

Share    
Tin khác

CÔNG TY CỔ PHẦN KHẢO SÁT THIẾT KẾ VÀ XÂY DỰNG USCO

Địa chỉ: 91 Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội

 ĐT: (84-4)37951939 - Fax: (84-4)37951929

Email: sdc.usco@gmail.com