Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 34/QĐ – BGTVT về việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1, sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc.
Theo đó, Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có trách nhiệm triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 theo quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ yêu cầu; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank), các cơ quan liên quan trong việc quản lý và sử dụng vốn vay ODA theo quy định.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2203/QĐ – TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 sẽ sử dụng vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc.
Cụ thể, Dự án do Bộ GTVT đóng vai trò là chủ quản đầu tư này có mục tiêu tổng quát là từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và các tỉnh Long An, Đồng Tháp nói riêng
Mục tiêu cụ thể của Dự án là đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 để phát huy hiệu quả Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông; hoàn thiện, kết nối tuyến N2, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Theo Quyết định số 2203, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 sẽ xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe hạn chế, bề rộng đường nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.
Dự kiến tổng vốn thực hiện dự án khoảng 4.770,75 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc là 3.677,22 tỷ đồng (tương đương 158,80 triệu USD) sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công (không bao gồm thuế VAT), dự phòng phần vốn ODA; phần vốn đối ứng dự kiến khoảng 1.093,53 tỷ đồng sử dụng để thanh toán thuế VAT (phần chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công), chi phí QLDA, chi phí tư vấn trong nước như: chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư, thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác... theo các quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.
Theo baodautu.vn