Chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ dự án
Đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định thầu với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Chính phủ đưa ra trong dự thảo báo cáo đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Chính phủ đề xuất một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược, có quy mô vốn lớn thuộc chương trình.
Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chính phủ đề xuất chính sách thí điểm áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ và gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Riêng chỉ định thầu xây lắp phải kèm theo yêu cầu tiết kiệm khoảng 5% dự toán giá trị gói thầu để đẩy nhanh công tác đấu thầu. Đồng thời, cách làm này cũng giúp lựa chọn được các nhà thầu tốt, nhất là các nhà thầu mạnh. Trong đó có các doanh nghiệp xây dựng có uy tín và đã thực hiện tốt gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, cơ quan này sẽ lựa chọn kỹ nhà thầu cũng như kiên quyết cắt thầu, chỉ định ngay nhà thầu thay thế để đảm bảo tiến độ cho toàn dự án.
“Bộ sẽ ban hành hồ sơ mời thầu gồm trình độ, năng lực để các nhà thầu, tư vấn nếu đáp ứng thì đưa vào danh sách xem xét, tuyển chọn được các đơn vị thi công tốt nhằm rút ngắn được thời gian và đảm bảo tiến độ” - ông Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Theo người đứng đầu Bộ GTVT, ưu điểm lớn nhất khi chỉ định thầu sẽ rút ngắn đáng kể thời gian vì không phải tổ chức đấu thầu. Từ khâu thiết kế đến thi công có thể giảm từ 6 - 8 tháng. Bên cạnh đó, hình thức này cũng giúp nhanh chóng tìm đúng người, đúng việc, tăng được tiến độ triển khai dự án.
Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; trong đó áp dụng một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn, chỉ định thầu. Như vậy, việc chỉ định thầu đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ chắc chắn được áp dụng.
Cần giám sát chặt để đảm bảo không "lọt" nhà thầu yếu kém vào làm cao tốc Bắc - Nam.
Giám sát chặt không để nhà thầu yếu kém “lọt” vào
Đánh giá về việc này, các chuyên gia cho rằng, việc chỉ định thầu cần được tổ chức và giám sát một cách thật chặt chẽ, bởi đây là hình thức rất dễ dẫn tới cơ chế xin-cho cũng như làm triệt tiêu tính cạnh tranh trong đấu thầu. Do đó, chỉ nên áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp bất khả kháng.
PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế khẳng định, đấu thầu luôn là hình thức tốt nhất để lựa chọn nhà thầu tốt; đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh và công khai minh bạch trong đấu thầu. Từ đó, sẽ đảm bảo được công trình được xây dựng với chất lượng tốt nhất.
Đồng ý với nhận định của Bộ GTVT về việc chỉ định thầu sẽ giúp dự án được triển khai nhanh hơn khi rút ngắn thời gian trong việc lựa chọn nhà đầu tư, song PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, khi chỉ định thầu phải đảm bảo lựa chọn những doanh nghiệp đủ năng lực về kỹ thuật cũng như tài chính mới đảm bảo tiến độ, chất lượng cho dự án.
Trong trường hợp chỉ định thầu có sai sót dẫn tới việc để doanh nghiệp yếu kém “lọt” vào làm dự án thì hậu quả sẽ rất khôn lường. “Doanh nghiệp yếu kém, làm ăn thua lỗ thì chắc chắn không bao giờ đủ năng lực để làm dự án. Đối với dự án đặc biệt quan trọng như cao tốc Bắc - Nam, đây là điều tối kỵ và bắt buộc không được để xảy ra” - PGS.TS Ngô Trí Long cho hay.
Đồng quan điểm trên, PGS. TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ GTVT và các cơ quan chức năng có liên quan phải tăng cường công tác giám sát và kiểm soát đối với công tác lựa chọn nhà thầu cho cao tốc Bắc - Nam bằng hình thức chỉ định thầu.
Chuyên gia này nhấn mạnh, việc giám sát và kiểm soát công tác chỉ định thầu là vô cùng quan trọng để đảm bảo lựa chọn đúng nhà thầu cũng như không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm và tư lợi cá nhân trong quá trình chỉ định thầu. Quan trọng nhất, chỉ định thầu cũng phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.
“Nhiều dự án khi đấu thầu giảm giá được hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng chất lượng sản phẩm cuối cùng lại không như mong muốn thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều” - PGS.TS Trần Chủng nói và khẳng định, dù là đấu thầu hay chỉ định thầu, mục đích cuối cùng vẫn là lựa chọn nhà thầu để làm làm dự án tốt nhất. Chất lượng và tiến độ dự án luôn là cái đích quan trọng nhất phải hướng tới.
Theo ktdt.vn