Nhận định đó là đúng vì nhu cầu phụ trợ của ngành là rất lớn. Mỗi năm ngành xi măng sản xuất với tổng công suất hơn 100 triệu tấn, sẽ cần một lượng hàng hóa, vật tư, phụ tùng thay thế lớn đến chừng nào. Thế nhưng, phần nhiều vật tư, thiết bị, phụ tùng thay thế được nhập khẩu từ nước ngoài.
Tuy nhiên và thực ra ở Việt Nam chưa có một tổ chức hay cơ quan nào kiểm tra lượng hàng hóa, vật tư, phụ tùng, phụ trợ mà các ngành, các lĩnh vực cần là bao nhiêu, danh sách thống kê các hàng hóa phụ trợ đó đến từ đâu cũng vẫn là lĩnh vực không quản lý. Đã không quản lý, công ty nào biết công ty đó, nhà máy nào biết nhà máy đó thì làm sao Nhà nước, xã hội đánh giá được. Mặc dù vậy, con số nhập khẩu hàng năm cho thấy vẫn còn quá nhiều hàng hóa , vật tư phụ trợ, phụ tùng được nhập từ nước ngoài. Rất nhiều hóa chất, hóa phẩm xây dựng, nguyên liệu cũng được nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí nhiều hãng sản xuất còn dùng thương hiệu của hàng hóa nhập khẩu để nói thay thương hiệu sản phẩm của mình.
Trong các phụ trợ và công nghiệp phụ trợ cho ngành xi măng phải kể đến lĩnh vực vật liệu chịu lửa, gắn liền với các lò nung, trong đó được phân thành 2 mảng sản phẩm chính là gạch chịu lửa và bê tông chịu lửa. Sản phẩm chịu lửa rất đa dạng. Mỗi loại vật liệu chịu lửa phù hợp theo yêu cầu môi trường trong lò nung. Có thể là gạch kiềm tính, gạch silic, gach samot, cao nhôm, mulit… tất cả các loại sản phẩm đó được tạo thành viên gạch, nung ở nhiệt độ cao và được dùng để xây tường phẳng, xây đáy bể, vòm bể, vòm lò…
Riêng ở những khu vực có cấu trúc vỏ phức tạp, uốn cong, lồi lõm hoặc có những yêu cầu đặc biệt mà sử dụng vật liệu chịu lửa kém hiệu quả thì phải sử dụng bê tông chịu lửa. Bê tông chịu lửa là loại vật liệu chịu lửa dạng hạt rời, được nung, gia công, tạo cấp phối hạt theo thiết kế và được thi công tại chỗ, tại công trường. Ngành xi măng là lĩnh vực sử dụng nhiều bê tông chịu lửa nhất cho vùng tháp trao đổi nhiệt và một vài vùng khác của lò nung clinker.
Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng nếu có lò nung thì ở đó đều sử dụng gạch chịu lửa. Nghĩa là gạch chịu lửa là lĩnh vực rất thông dụng và có nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, vật liệu phụ trợ này chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài. Lò nấu thủy tinh gần như nhập khẩu toàn bộ gạch cho bể nấu, vòm lò, thành bể nấu thủy tinh. Đây là những khu vực sử dụng gạch chịu lửa với chủng loại khác nhau và có chất lượng rất cao. Chỉ ở các khu vực sử dụng gach samot A và samot B thì sử dụng sản phẩm phụ trợ do các nhà sản xuất trong nước cung cấp. Ngay cả với lò nung gạch đất sét nung mới, sử dụng vòm phẳng, thì vật liệu chịu lửa làm vòm cũng phải nhập ngoại. Chỉ gạch xây tường lò là sử dụng gach samot do các đơn vị trong nước cung cấp.
Khác với các loại gạch samot trong lò nung xi măng, vùng zon nung phải sử dụng gạch kiềm tính. Đây là loại gạch có yêu cầu chất lượng rất cao và nhà máy gạch kiềm tính của Vicem cũng chỉ mới cung cấp được một phần cho một số nhà máy, còn lại phải nhập khẩu. Riêng bê tông chịu lửa cho lò quay xi măng và lò luyện thép, lò luyện kim mặc dù có yêu cầu chất lượng rất cao nhưng chủ yếu lại được cung cấp bởi các nhà sản xuất trong nước. Thực ra trước đây cả gạch kiềm tính và bê tông chịu lửa đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Song do sự nỗ lực của một số doanh nghiệp, nên gạch kiềm tính đã được các nhà đầu tư trong nước đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại và bê tông chịu lửa được một số nhà đầu tư sản xuất có trình độ cao nên đã thu phục được người sử dụng.
Đây có thể nói là lĩnh vực đầu tư công nghệ phụ trợ thành công nhất của ngành vật liệu xây dựng Việt Nam. Điều quan trọng của lĩnh vực bê tông chịu lửa không chỉ là sản xuất được cấp phối hạt để chế tạo bê tông vừa có tính chịu lửa đúng theo yêu cầu mà còn phải hướng dẫn thi công, đổ, đầm, bảo dưỡng bê tông đúng quy trình kỹ thuật. Nếu không có khả năng thiết kế, không có trình độ hướng dẫn thi công, giám sát kỹ thuật thì cũng khó thành công. Đây chính là lợi thế của các chuyên gia Việt Nam, có thể giúp giảm giá thành, khả năng tiếp cận nhanh hiện trường khi có yêu cầu, điều mà các công ty nước ngoài gặp khó khăn.
Thực tế chứng minh rằng lĩnh vực cung cấp bê tông chịu lửa cho công nghiệp vật liệu xây dựng của Việt Nam đã mang lại rất nhiều lợi ích cho cả người sử dụng lẫn người cung cấp và nó cũng chứng minh được năng lực cung cấp dịch vụ trong nước, năng lực hợp tác của ngành sản xuất phụ trợ. Điều cản trở của sự kết hợp không chỉ là yếu tố kỹ thuật, kinh tế mà còn nằm ở nhận thực, mối quan hệ và nhiều vấn đề xã hội khác. Xã hội mong muốn các doanh nghiepj sản xuất vật liệu xây dựng và các nhà đầu tư công nghệ phụ trợ xích lại gần nhau hơn, chia sẻ các khó khăn thuận lợi vì lợi ích của cả 2 phía và vì sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ nước nhà.
Theo tạp chí VLXD