Mục tiêu của chúng tôi là dùng rong biển và một số rác thải thực phẩm thông dụng để tạo ra vật liệu xây dựng với độ chắc chắn ít nhất tương đương bê tông. Vì sử dụng rác thải thực phẩm ăn được, chúng tôi cũng quan tâm đến việc xác định xem quá trình tái chế ảnh hưởng như thế nào đến hương vị của nguyên liệu gốc, Yuya Sakai, chuyên gia tại Đại học Tokyo, cho biết.
Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia sử dụng kỹ thuật ép nhiệt thường dùng để ép bột gỗ thành vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, thay vì gỗ, họ sấy chân không rồi nghiền thành bột nhiều loại rác thải thực phẩm như hành, bắp cải và vỏ trái cây.
Quá trình xử lý gồm trộn bột thực phẩm với nước và một số gia vị, sau đó ép hỗn hợp này thành khuôn ở nhiệt độ cao. Toàn bộ sản phẩm thu được, trừ loại làm từ vỏ bí ngô, đều vượt qua bài kiểm tra về độ chắc chắn. Các chuyên gia sau đó đã tìm ra giải pháp cho vỏ bí ngô.
Chúng tôi nhận thấy lá cải thảo, nguyên liệu cho ra sản phẩm chắc chắn gấp ba lần bê tông, có thể trộn lẫn với vật liệu yếu hơn làm từ vỏ bí ngô để tăng độ kiên cố, Kota Machida, thành viên nhóm nghiên cứu, nói.
Các vật liệu sau khi ép khuôn vẫn ăn được, nhưng nhóm chuyên gia không tiết lộ độ cứng khi nhai chúng. Kể cả khi tiếp xúc với không khí 4 tháng, chúng cũng không thay đổi hương vị và không bị mục nát hay côn trùng phá hoại. Việc phát triển vật liệu ăn được vẫn đang trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, có thể trong tương lai, con người sẽ xây được những ngôi nhà đặc biệt và biến nó thành thực phẩm nếu muốn.
Theo ximang.vn