Tổng cục Đường bộ VN vừa có văn gửi sở GTVT các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và các nhà đầu tư các dự án BOT yêu cầu tăng cường bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ các tuyến đường.
Nhiều đơn vị quản lý tại địa bàn, nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên, nhà thầu sửa chữa định kỳ
chủ đầu tư các dự án khu vực miền Trung và Tây Nguyên chưa làm tròn trách nhiệm trong bảo trì đường bộ
Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hệ thống quốc lộ khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn nhiều tuyến đã khai thác, sử dụng nhiều năm nhưng mặt đường đã hết thời hạn sử dụng.
“Thời gian qua, lưu lượng xe và tải trọng phương tiện tăng cao nhưng chưa có nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp. Trong khi đó, vẫn còn nhiều trường hợp đơn vị quản lý tại địa bàn, nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, đột xuất, chủ đầu tư các dự án chưa làm tròn trách nhiệm trong bảo trì đường bộ. Điều này khiến một số tuyến đường hư hỏng, xuống cấp, gây khó khăn cho lưu thông và nguy cơ mất ATGT”, Tổng cục Đường bộ VN đánh giá.
Để khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên thực hiện đầy đủ việc tuần đường, kịp thời phát hiện hư hỏng, xuống cấp, mất ATGT, đề nghị sửa chữa theo quy định.
Các đơn vị quản lý tuyến đường phải thực hiện đầy đủ việc sửa chữa, vá dặm mặt đường hư hỏng; sửa chữa khơi thông cống, rãnh thoát nước, cắt cỏ, xén cây trong phạm vi hành lang đất dành cho đường bộ cản trở tầm nhìn.
“Các sở GTVT cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thực hiện của nhà thầu quản lý tuyến đường. Trong đó, cần đánh giá, nghiệm thu chặt chẽ kết quả do nhà thầu thực hiện theo đúng quy định”, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu.
Tổng cục Đường bộ VN cũng yêu cầu Cục Quản lý Đường bộ III phối hợp với các sở GTVT kiểm tra, khắc phục hư hỏng, xuống cấp hoặc những tồn tại cần khắc phục, bảo đảm ATGT trên tuyến quốc lộ do đơn vị mình quản lý kịp thời, hiệu quả. Chỉ đạo nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sửa chữa định kỳ đảm bảo tiến độ, chất lượng và ATGT theo quy định.
Đối với các dự án BOT, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu Cục Quản lý Đường bộ III, các sở GTVT tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên của các nhà đầu tư BOT. Trường hợp chất lượng bảo trì kém, cần kiến nghị Tổng cục Đường bộ VN dừng thu phí theo quy định.
Theo baogiaothong.vn