Lãnh đạo thành phố Móng Cái đã thực tế hiện trường, chỉ đạo thời điểm thông thủy cầu Trà Bình
diễn ra sau vụ thu hoạch tôm vì lợi ích ngư dân.
Qua tìm hiểu, phóng viên Báo điện tử Xây dựng thấy rằng: Cây cầu xây dựng trên cạn đó tên gọi là cầu Trà Bình, tại Km6+650, thuộc Tỉnh lộ 335, đoạn đường từ trung tâm thành phố Móng Cái đến cuối bán đảo Trà Cổ, dài 15km. Ngày trước, nơi đây (Km6+650) có lạch sông Mắn Thí, nước sâu và rộng khoảng 150m, một bến đò ngang quá giang người địa phương gọi là bến đò Cấu Đá. Khi ngành Giao thông triển khai dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường này, sẵn đất nên đã san nền lấp đầy lạch sông Mắn Thí thành con đường liền.
Khi ấy, một con đường phẳng phiu không cầu phà từ trung tâm thành phố đến tận mũi Sa Vỹ tưởng là sáng kiến hay trong xây dựng, ai ngờ vừa lấp xong lạch sông Mắn Thí đã nảy sinh ngay đại họa về thủy văn, môi trường, hệ sinh thái đáy nước vùng thượng hạ lưu lạch con sông này.
Cụ thể, bán đảo Bình Ngọc - Trà Cổ và xã Hải Xuân phải gồng mình chống đỡ sự thay đổi bất lợi về môi trường sinh thái vùng bãi triều ngập mặn. Khi dòng hải lưu bị chặn, thủy triều lên xuống không hài hòa thì “tức nước vỡ bờ”, gây xói lở khu vực mũi Sa Vỹ. Cặp đôi trong - ngoài lạch sông bị sa bồi dẫn đến diện tích mặt nước phía trong bị nông dần, nguồn nước tù đọng ô nhiễm hôi thối. Cánh rừng ngập mặn rộng trên 20ha gồm: Bần, đâng, sú, vẹt... trước đây xanh rờn, nay thiếu mặn cây chết đứng. Trên 150ha ao đầm thiếu nước mặn sạch để nuôi trồng thủy sản. Ngư dân phải nhọc nhằn khơi nguồn nước mặn ở tận cửa cái sông Mắn Thí đưa về ao đầm. Nhưng dòng sông không thông thủy, nguồn nước ở đâu cũng uế tạp không đảm bảo vệ sinh, hiệu quả kinh tế nuôi trồng thủy sản thấp, còn ảnh hưởng đến ngư trường đánh bắt thủy hải sản ven bờ ở địa phương.
Trước thực trạng bất ổn trên, năm 2017 tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý cho thành phố Móng Cái xây dựng cầu Trà Bình và khoét đất trả lại lạch sông Mắn Thí, để phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ nước mặn canh tác cho trên 150ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản, khôi phục lại ngư trường đánh bắt thủy hải sản ven bờ cho dân. Địa phương có thêm vùng nước lặng sóng, kín gió để tàu thuyền giao thương trên sông Ka Long, sông Bắc Luân tránh trú bão; đồng thời tôn tạo cảnh quan, công trình kiến trúc đẹp trên tuyến đường vào khu du lịch biển Trà Cổ và hải đảo Vĩnh Thực.
Nay cầu Trà Bình đã xây dựng xong, công trình sử dụng đã lâu nhưng chưa thấy thông thủy, cầu vẫn bắc trên cạn nên dư luận thắc mắc cần làm rõ lý do chưa thông thủy để giải phóng sự ách tắc môi trường nói trên. Thực tế, UBND thành phố Móng Cái đã có kế hoạch nạo vét, thanh thải dòng chảy, trả lại nguyên bản cho lạch sông Mắn Thí.
Từ tháng 6/2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Móng Cái đã triển khai một số hạng mục như: Hạ thấp độ cao đê quây đến mức cao trình vượt mốc mực nước triều cường khoảng 10 - 30cm để theo dõi, đánh giá mực nước thủy triều dâng, dự kiến thông thủy cầu Trà Bình vào giữa tháng 7/2021 (đã gửi thông báo đến các tổ chức, cá nhân liên quan). UBND xã Hải Xuân đã họp với các hộ dân trong khu vực ảnh hưởng khi thanh thải cầu Trà Bình, đã nhận được ý kiến: Để các hộ dân thu hoạch xong vụ tôm này (trung tuần tháng 7/2021), khi ấy hãy mở dòng thông thủy.
Nguyện vọng của ngư dân là hợp lý, bởi từ khi lấp sông dòng chảy thay đổi, địa mạo có khác. Theo đó đê đầm thấp hơn mức triều cường, nay bỗng khai thủy trở lại khi thủy triều lên cao ắt bất lợi cho cả hệ thống ao đầm nuôi tôm của 24 hộ dân tại thôn 13, xã Hải Xuân.
Thành phố Móng Cái phá thế cầu Trà Bình xây trên cạn, thông thủy trả lại cảnh quan môi trường, hệ sinh thái cửa biển là rất cần thiết, nhưng cũng phải có lộ trình để các hộ dân hạ lưu dòng chảy thu hoạch xong tôm, cá đúng thời vụ... đảm bảo cũng lợi ích của người dân.
Theo baoxaydung.vn