Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có điểm đầu tại nút giao Chà Và, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Điểm cuối tại nút giao với đường vành đai TP Cà Mau thuộc xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Dự án đi qua tỉnh Vĩnh Long, TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau.
Sơ đồ các phương án hướng tuyến của dự án.
Sau khi phân tích các phương án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chọn phương án 3. Theo đó, toàn tuyến có tổng chiều dài 124,8km (Vĩnh Long 10,5km; Cần Thơ 6km; Hậu Giang 61,6km; Bạc Liêu 7,7km; Kiên Giang 17,1km và Cà Mau 21,9km). Diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) 666ha và 1.483 căn nhà.
Đây là phương án tuyến có chiều dài ngắn nhất, có chi phí xây dựng thấp nhất. Tổng mức đầu tư cho phương án này là 49.383 tỷ đồng. Trong đó, chi phí GPMB 5.433 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 32.380 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác 4.857 tỷ đồng; chi phí dự phòng 6.702 tỷ đồng.
Trong khi hai phương án còn lại, một phương án có tổng chiều dài 37,55km, vốn đầu tư 52.565 tỷ đồng và một phương án là 156,05km, vốn 58.995 tỷ đồng. Riêng phương án 1 (nâng cấp tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp lên thành cao tốc) được kiến nghị không xem xét vì có những hạn chế.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, phương án 3 ở trên phù hợp với Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở kết quả đánh giá cho thấy, phương án 3 có ưu điểm là phù hợp với quy hoạch, có chi phí xây dựng thấp, tuyến đi mới qua vùng đất chủ yếu là đất nông nghiệp nên thuận tiện cho công tác GPMB. Hướng tuyến mới hoàn toàn nên tạo động lực phát triển mới cho Hậu Giang, phía Tây của Bạc Liêu, khu vực Gò Quao, Vĩnh Thuận của Kiên Giang.
Về nguồn vốn cho dự án, nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay để thực hiện đầu tư xây dựng dự án, thu hồi vốn thông qua thu phí cộng với nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước.
Dự án dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn thành cơ bản năm 2025.
Cầu Cần Thơ. Ảnh: Giang Lam
Hai kịch bản tài chính cho dự án cũng được nêu ra. Kịch bản 1 là hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN) 50% tổng mức đầu tư. Kịch bản này có ưu điểm là tỷ lệ vốn góp của nhà nước tham gia vào dự án là 50% tổng mức đầu tư đúng theo quy định. Tuy nhiên, nhược điểm là thời gian hoàn vốn dài (33-34 năm), có thể sẽ kém thu hút nhà đầu tư.
Kịch bản 2 là hỗ trợ từ NSNN đảm bảo hoàn vốn khoảng 28-29 năm khai thác. Kịch bản này có ưu điểm là thời gian hoàn vốn rút ngắn hơn so với kịch bản 1, nhưng tỷ lệ vốn góp của nhà nước tham gia vào dự án lại hơn 50% tổng mức đầu tư. Trong khi đó, theo quy định thì tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư dự án, nên cần phải xin cơ chế riêng cho dự án tương tự như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020.
Đối với cầu Cần Thơ 2 (kết nối với điểm đầu dự án, cách cầu Cần Thơ hiện hữu khoảng 4,5km về phía hạ lưu), Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho rằng, đây là cầu lớn, có quy mô cấp đặc biệt, tính chất kỹ thuật phức tạp và kinh phí xây dựng lớn.
Để đảm bảo hiệu quả đầu tư và tối ưu các mặt kinh tế kỹ thuật, cầu Cần Thơ 2 cần được nghiên cứu riêng đồng bộ với tình hình phát triển chung của khu vực. Trong giai đoạn cầu Cần Thơ hiện hữu vẫn chưa mãn tải, dự kiến đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn sau năm 2025.
Theo ktdt.vn