Đường xuống cấp, nguy cơ mất ATGT
Từ nhiều năm qua, nhiều đoạn trên 2 tuyến QL53 và 54 (đoạn đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long) xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường nhỏ hẹp, xuất hiện nhiều "ổ voi", "ổ gà"…
Nhiều đoạn trên tuyến QL53 và 54 xuống cấp nghiêm trọng
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, QL54 đi qua 3 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Trà Vinh với tổng chiều dài 155km, được Bộ GTVT quyết định đầu tư vào năm 1999. Do khó khăn về nguồn vốn nên dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, QL54 được đầu tư theo quy mô nền đường rộng 6,5m; mặt đường rộng 3,5m láng nhựa, lề đường được gia cố mỗi bên 1m. Giai đoạn 2 thực hiện hoàn chỉnh theo quy mô đường cấp IV đồng bằng (nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 7m).
Hiện nay, các đoạn đi qua các tỉnh Đồng Tháp và Trà Vinh đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Tuy nhiên, đoạn qua Vĩnh Long (từ Km32 đến Km85) chỉ mới được đầu tư theo giai đoạn 1, quy mô nền đường rộng 6,5m; mặt đường rộng 3,5m (được gia cố lề thêm 1m để mở rộng mặt đường lên 5,5m) tương đương cấp VI đồng bằng.
Dù là quốc lộ nhưng mặt đường rất nhỏ hẹp
Sau khi thông xe cầu Trà Ôn vào đầu năm 2010, cùng với việc đưa vào sử dụng cầu Cần Thơ, lượng phương tiện vận tải từ tỉnh Trà Vinh đi Cần Thơ trên QL54 tăng lên đột biến, với bình quân hơn 2.000 lượt ô tô/ngày đêm, theo thống kê của Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long.
Tuy nhiên, do mặt đường chỉ rộng 5,5m, nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Mặt đường hẹp, nên khi ô tô đi ngược chiều tránh nhau thường gây nên tình trạng sạt lở lề đường 2 bên. Đồng thời, do lưu lượng phương tiện vận tải nặng tăng cao làm cho mặt đường dễ hư hỏng.
Mặc dù đã được đơn vị quản lý đường bộ thực hiện duy tu sửa chữa định kỳ nhưng đường đã xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Anh Trần Thanh Phương (tài xế xe tải ở Cần Thơ) cho biết, anh thường xuyên chở hàng về Trà Vinh qua QL54, mỗi lần như vậy là một cực hình, vì đường xấu, dày đặc "ổ voi", "ổ gà".
“Xe tui thường xuyên bị sụp "ổ gà". Tui hy vọng tuyến đường này sớm được nâng cấp để người dân bớt khổ”, anh Phương cho hay.
Trước tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ông Lê Quang Trung đã ký văn bản kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, xem xét ưu tiên nguồn vốn sớm đầu tư nâng cấp QL54 đoạn đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long trong năm đầu kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
"Con đường đau khổ" về Trà Vinh
Chung tình cảnh là tuyến QL53, nối 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh với chiều dài 167km. Đây là trục ngang kết nối QL1 với QL60 và kết nối với Khu kinh tế Định An, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh). Suốt thời gian dài, tuyến này cũng xuống cấp rất nặng, mặt đường hư hỏng, xuất hiện nhiều "ổ gà" khiến TNGT xảy ra thường xuyên.
Các phương tiện chen chúc nhau qua tuyến đường chật hẹp
Qua nhiều năm, hiện nay, QL53 đã hoàn thành đầu tư nâng cấp đoạn Vĩnh Long - Long Hồ (Km0 - Km15+574) và đoạn Basi - Long Toàn (Km56-Km114) với quy mô đường cấp III đồng bằng. Còn lại đoạn Long Hồ - Basi kết nối TP Vĩnh Long và TP Trà Vinh chưa được đầu tư, hiện trạng có quy mô đường cấp IV đồng bằng.
Đoạn này được Bộ GTVT quyết định đầu tư theo hình thức BOT từ năm 2015, tuy nhiên sau đó đã phải dừng thực hiện theo Nghị quyết 473 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hiện nay lưu lượng vận tải trên QL53 rất lớn (theo Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long là khoảng 14.900 xe/ngày đêm), quy mô hiện hữu không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kết nối liên vùng, đảm bảo ATGT.
Hiện, Sở GTVT Vĩnh Long đang lập tờ trình về tính cấp bách phải đầu tư, nâng cấp 2 tuyến quốc lộ này. Theo đó, dự án đầu tư QL53 có tổng chiều dài khoảng 44,7km, quy mô theo tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe, phù hợp với các đoạn đã đầu tư trên toàn tuyến. Còn dự án đầu tư tuyến QL54 có chiều dài 51,065km, quy mô theo tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe, phù hợp với các đoạn đã đầu tư trên toàn tuyến.
Sở GTVT đã đề nghị Sở KH-ĐT Vĩnh Long đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung nâng cấp các tuyến QL53 và QL54 vào phụ lục danh mục công trình/dự án ưu tiên đầu tư trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo baogiaothong.vn